byTôi người Phú Quốc

Cửa Cạn Phú Quốc – Đảo ngọc quá hào nhoáng, quá rực rỡ – luôn là một điểm đến – để đến những bãi biển đẹp, những khu nghỉ dưỡng cao cấp. Mọi thứ quá hoàn hảo, lộng lẫy như một “ông hoàng” . Vậy thử hỏi phía sau đảo ngọc có gì ? Ai có thể trả lời và kể một câu chuyện về phía sau đảo ngọc này không?

Cái đẹp tất nhiên sẽ đi lên từ sự hình thành , mà sự hình thành tất nhiên sẽ “chưa đẹp” , chưa hoàn hảo. Tôi rồi các bạn và mọi người cũng thế, lúc dậy thì sẽ khác hẳn lúc chưa dậy thì , lúc trưởng thành tất nhiên sẽ chững chạc hơn lúc còn trẻ con , và ở đây tôi muốn nói rằng : Phú Quốc lung linh từ những điều còn rất nguyên thủy, mộc mạc – mà một trong những yếu tố vừa nêu thì Bãi biển Cửa Cạn đã chiếm hết về mình – còn mộc mạc, còn hẻo lánh, còn nghèo nàn đã tự lúc nào rồi ?!

bai cua can phu quoc
Nét hoang sơ của Bãi Cửa Cạn Bắc Phú Quốc

Cửa Cạn Phú Quốc – một nét đẹp thầm lặng

Nằm bên bờ biển phía Tây cách thị trấn Dương Đông khoảng 6km về hướng Bắc và ở ngay gần xã có cùng tên là Cửa Cạn. Bãi Cửa Cạn được hình thành từ sự giao nhau của đại dương và dòng chảy của sông Cửa Cạn đã tạo nên một dải cát nổi “cô đơn” và lạnh lùng của một nét đẹp thầm lặng.

Tôi bỏ lại sau lưng những cái đẹp quá cao sang để một mình xẻ dọc – tìm ngang cái nơi Bãi Cạn Phú Quốc mà mình thật sự một lần được đặt chân đến. Cái mới lạ và không phổ thông sẽ mang đến cho chúng ta những cái mà ít tai biết đến, ít ai để ý – để rồi chính mình bắt gặp những con người tảo tần nơi này.

Có khi du lịch không phải lúc nào cũng là hưởng thụ, mà đôi lúc đó là sự trải nghiệm một cách sâu sắc và nồng nàn về một vùng quê xa xôi nào đó, để rồi chúng ta có thể thở chung cùng hơi thở với những con người chất phác, thật thà một lòng bám làng bám biển nơi đây.

Biển xanh cả một vùng rộng lớn, cát vàng im ắng nằm xoải dài trong nắng. Từng tay lưới được kéo lên liên hồi. Vài con cá nhảy loằn ngoằn trên cát, một vài con tôm tít nhảy xổm lung tung – phải khéo léo để giữ nó nằm yên , xoay đi xoay lại thì cơn nắng sáng cũng làm lòng người ấm áp, rồi kéo lê một cái thau nhỏ gom lại mớ cá tôm “hỗn độn” cũng dăm ba ký  – mà – lão ngư hôm nay thu hoạch được. Nước trong quá kìa, sóng biển cứ rì rào thay nhau ập vào bờ từng cơn nhẹ nhàng.

lang chai cua can

Bãi đá nào cũng thế, cứ như chúng đã nhuộm màu tập thể vậy – vẫn mộc mạc một màu xanh rêu thế kỷ, vẫn nằm sấp lớp từ trong bãi ra đến mé biển , rồi cũng có khi nằm tít đằng xa hướng biển xanh thẳm. Mọi người vẫn vui đùa tắm táp, nghịch nước với “thập cẩm” tiếng la ó xốn xao cả buổi sáng đầy năng động. Vài em bé cứ lặn hụp, rồi trồi đầu lên lấy hơi để rồi lặn xuống nước cố tình nhìn cảnh vật dưới mặt nước – thấy các em mũm mĩm cũng khiến tâm trạng hào hứng.

Bên lề những câu chuyện, sẽ luôn có những câu chuyện tiếp nối bất chợt. Một chiếc thuyền đánh cá đã cũ với một bác ngư phủ ngoài 60 – đang hóng khách để “bắt mối” chở họ ra phía xa bãi để thỏa chí tiêu giao câu cá . Ông mừng ra mặt , đôi vai run nhẹ với dáng người còm cõi, áo sờn vai bạc màu lấm lem với chiếc  nón lá rách bươm, những vẫn hăng hái đón khách và giới thiệu du khách cách câu cá ở khu vực nào là có cá nhiều. Nhóm người vui vẻ cười nói – thích thú khi cá cắn câu, giật cần liên hồi, đúng là tiếng hoan hô, cười nói đã lấn áp đi cái dáng người còm cõi đó của “lão ngư” lặng thầm ngồi phía sau con thuyền cũ kỹ này!

Đừng vội vàng bước đi nhanh quá, mà chúng ta hãy chậm bước để kịp nhìn , và có cái nhìn  chi tiết từ những xóm nhỏ quanh bãi, những mái nhà lụp xụp tôn lá kết hợp, và cạnh những chân cầu nhỏ là cả một nền văn hóa miền sông nước – một ký ức về cụm từ “khách thương hồ” đã ngược dòng lịch sử để tôi đủ cảm nhận một thời mà các bậc tiền nhân đã sinh cơ lập nghiệp bằng những phương tiện này đây.

Bãi biển Cửa Cạn Phú Quốc còn rất hoang sơ, giao thông tới khu vực này hầu như chưa được đầu tư chủ yếu là cư dân địa phương sinh sống, hoạt động du lịch tại đây hiện cũng chưa được đầu tư nhiều mà mới phát triển theo hình thức tự phát nên khu vực yên bình đến nỗi tôi phải giật mình – vì mình đã đến được nơi mà bấy lâu vẫn luôn mường tượng trong đầu về cái cảnh quan, và không gian như chính Bãi Cạn này.

Thả mình tận hưởng Bãi Biển Cửa Cạn theo cách riêng

Đôi chân cũng hơi lả một chút, tìm kiếm một góc ngồi dưới hàng cây rũ bóng – làm mát dịu cả một góc trời. Thuê một chiếc ghế dựa kèm theo cây dù to nằm để “ngửi mùi biển” . Sóng biển buổi chiều cũng nhẹ nhàng , làn gió mát dịu cả châu thân mệt nhoài.

Các cô gánh những gánh hàng nặng trĩu mời gọi những món hải sản nơi đây. Bụng cồn cào nên đã thưởng cho mình một dĩa bạch tuộc nướng sa tế thơm lừng, thịt dày, nuốt trọn và nhai mỏi hàm những cái xích tu dài ngoằn, một dĩa sò nướng mỡ hành béo ngoậy với đậu phộng được rắc lên, vài con tôm tít xào tỏi hương vị nồng nàn. Thịt ghẹ luộc vừa ngọt vừa chắc, húp cái mai ghẹ nghe rồn rột mà cảm thấy thỏa thích – ăn uống theo kiểu sảng khoái, bụi bặm.

Ánh chiều cũng dần buông lơi, nhoài người ra dựa hẳn vào ghế để tự “thả hồn” mình về phía xa theo bóng mặt trời kia để tự thấy mình bé nhỏ, mông lung giữa biển trời rộng lớn.

Có khi tự hỏi lòng: mình đã bao lần ngắm ánh hoàng hôn như thế rồi? Đã bao lần thấy đoàn thuyền đánh bắt phía xa xăm đang nhấp nhô trở về bờ, để sum họp cùng gia đình bên buổi cơm đạm bạc chan miếng nước mắm cá cơm lùa cơm nuốt vội vàng cho ấm bụng.

Một ly Rượu Sim say nồng làm ấm cả một vùng cổ họng như xóa tan mọi lối nghĩ mông lung xa vời – mà lần nào ngắm hoàng hôn – đám cảm xúc mơ hồ đó cũng tràn về.

Một Bãi Cạn đúng nghĩa – nó không ồn ào xô bồ, cũng chẳng kiêu sa lấp lánh, mà nó là cả sự yên bình lặng lẽ, một vẻ đẹp ẩn hiện lập lờ mang hơi thở của cả một vùng ký ức của một nền văn hóa sông nước, một nét cổ điển xưa của những làng chài hàng trăm năm trước , mà đến trăm năm sau vẫn còn nguyên vẹn, chỉ khác là cái thời vàng son của làng nghề nay không được “hưởng lộc” và sầm uất như xưa nữa rồi!

bai can phu quoc con hoang so

cua can phu quoc
Bãi Biển Cửa Cạn Phú Quốc thu hút du khách tìm đến sự bình yên mộc mạc

Nếu được đi đây đó – xin hãy bước đến những nơi- mà nơi đó đang duy trì một “hơi thở” của hoài cổ, của lịch sử, của một nét văn hóa xưa. Ngày nay sự sung túc, sự thịnh vượng đã dần che lấp một thời của quá khứ – và dần quên lãng những “cái nôi”  sản sinh ra nhiều giá trị thuần túy mà bản thân chúng ta cần hiểu và bảo tồn, rồi cố gắng phát huy một Bãi Cửa Cạn trong tương lai sẽ chuyển đổi !