Suối Đá Bàn Phú Quốc – Nguyên tuần cắm đầu cắm cổ vô cái “com pu tờ” tại Công ty chăm chăm con mắt, tối thì về nhà lại chui đầu vô laptop rồi bấm bấm làm cái này cái kia liên tục đến khuya. Sáng chủ nhật thảnh thơi, tranh thủ thức sớm ra Highlands Coffee Hàm Nghi làm ly đen đá một mình, rồi phóng tầm quan sát cảnh vật – nhìn ngắm chợ Bến Thành với dòng người qua lại náo nức cả lòng đường. “Xuân ơi xuân xuân đã về, có nỗi vui nào vui hơn ngày xuân đến …” tiếng nhạc xập xình như thể “lót ổ” cho xuân về vậy đó. Chợt bàn kế bên có mấy bạn đang xôn xao : “Tết này mình đi đâu du lịch để lấy hên đây ta”.
Theo dân gian truyền miệng và quan niệm “ tiền vô như nước” cho nên ngày tết thì hay đi đến những nơi có nhiều nước, hoặc ngao du sơn thủy 10 kiểng chùa, hoặc đến những nơi có tên địa danh tốt để lấy hên nguyên năm. Nghe cũng thấy có lý, bởi vì nước rất quan trọng trong sự sống này, thà nhịn đói được, chứ nhịn khát thì không thể lâu được. Vậy thôi, năm nay tôi đưa ra một gợi ý là mời các bạn đến suối Đá Bàn thuộc huyện đảo Phú Quốc – tỉnh Kiên Giang để “lấy hên” cho năm mới nhé !
Suối Đá Bàn nơi tiên nữ hạ giới
Cái tên gọi “Suối Đá Bàn” đã làm cho du khách nghe đến cảm thấy tò mò. Tại sao gọi là Suối Đá Bàn? Cũng dễ hiểu lắm nha, vẫn là nguyên lý “thấy mặt đặt tên” , bởi vì những tảng đá to đùng ở khu vực suối nó vừa bằng, vừa phẳng giống như mặt bàn mỹ nghệ vậy đó, rồi cái tên mỹ miều Suối Đá Bàn ra đời trong “bối cảnh” rực rỡ như thế. Chưa hết nhe, thông tin này bảo đảm mấy cha nghe xong là xách dép bắt tàu đi đến suối liền nè, tương truyền – những tảng đá mỹ miều nên thơ này là nơi lý tưởng để các tiên nữ ngồi tại đây để tắm táp, mỗi khi hạ giới đó nhe mấy cha !
Phú Quốc nổi tiếng với 99 ngọn núi trãi dài từ Bắc tới Nam, trong đó dãy núi Hàm Ninh là dãy núi dài nhất và cao nhất. Suối Đá Bàn bắt nguồn từ đây. Đến với Suối Đá Bàn, sau khi gửi xe ngoài bãi, thì các bạn phải vượt qua một cây cầu dây – tui nói đi sợ thấy mẹ luôn! Sợ nó đứt dây, cây cầu nó cũ lắm luôn, đi mà cứ lắc lư, rung rinh vậy đó, vừa đi vừa nín thở luôn, sợ lắm. Sau khi qua cây cầu “thuốc lắc” này chúng ta phải cuốc bộ qua một khu rừng lên cao khoảng 15 phút nữa mới tới khu vực chính của suối.
Phải nói con đường đi đến Suối Tranh nó dễ hơn đi Suối Đá Bàn rất nhiều. Bước vô rừng trời mát hẳn ra, cây cối mọc búa xua lăm bua, chim hót ríu rít nghe cũng vui tai lắm. Ai yếu yếu thì kiếm khúc cây làm gậy chống đi cho nó nhanh và an toàn, lần lượt lên dốc thoai thoải không cao lắm và nghe được hơi mang mát phả vào người, tiếng suối chảy ào ào là biết sắp “lên đỉnh G” rồi đó.
Suối Tranh thì dòng chảy nhẹ nhàng, êm đềm như cô gái còn e ấp, còn Suối Đá Bàn dòng chảy mãnh liệt ầm ầm – như chàng trai xứ biển mạnh mẽ đón chờ cô gái! Tiếng suối đổ dần dần áp luôn tiếng nói cười của mọi người, muốn giao tiếp phải nói thật lớn thì đối phương mới nghe được. Đứng nhìn ngắm, trầm trồ “soi mói” dòng suối trắng xóa, rồi lại bàn tán : “nước ở đâu ra mà chảy hoài vậy trời, chảy liên tục luôn mới ghê chứ” …
Suối chảy mượt mà như làn tóc
Nữ tiên thăng giáng xuống tắm đây
Phàm nhân trông thấy tâm hồn vỡ
“Tắm tiên” gợi mở từ đây chăng?
Nhìn đã mắt lắm các bạn ạ, bao nhiêu sự mệt nhọc, nóng bức từ đợt lội bộ nảy giờ hình như gần tan biến rồi. Chỉ đứng từ những tảng đá to mà ngóng nhìn thôi , mà hơi nước cứ “ngang nhiên” bay vô mặt mình hoài vậy đó, chắc phải kiếm chỗ thay đồ mà nhảy ùm xuống dòng nước tinh khiết này thôi.
Từ trên cao nổi hẳn lên những tảng đá thật cao lớn hùng vĩ, đa hình dạng, mang trên mình một màu áo rêu xanh cũ kỹ, như chứng minh sự hiện diện đã từ rất lâu đời. Cứ thế vẫn đứng sừng sững giữa núi rừng bạt ngàn màu xanh của rừng núi – cũng như muốn hòa vào màu xanh của sự hy vọng an bình, yên ấm của lời chào năm mới đến du khách.
Những dòng suối chảy không biết từ đâu cứ len lỏi xuất hiện từ sau các khe đá, các vách đá – cứ thế mà tuôn trào như vô tận. Dòng suối từ trên cao chảy xuống, có lúc lại quanh co xuyên qua kẽ đá, có lúc lại như muốn đùa cợt chảy đè lên những mõm đá xanh rêu , rồi lại vòng qua vòng lại như vũ điệu samba, cứ lần lượt lần lượt chay dài đến chân suối rồi tụ lại những chỗ hỏm tạo thành một hố nước riêng biệt, trong vắt để du khách có thể lặn hụp liên hồi trong hỏm nước nhỏ này.
Xa xa có những tảng đá to lớn bằng phẳng mà từ trên cao nước cứ đổ xuống ầm ầm – vài bạn trẻ tập hợp lại tạo ra những dáng đứng rất khí thế, rất võ thuật để làm model cho những bức ảnh tuyêt đẹp cảnh sắc rất chất và hoang dã tuyệt diệu.
Đến với Suối Đá Bàn với những tảng đá lớn bằng phẳng rất thích hợp cho du khách cắm trại, bày thức ăn, nước uống. Lý thú hơn nếu các bạn chuẩn bị sẵn những món hải sản đặc biệt để có buổi tiệc BBQ cá nướng, một dĩa ghẹ hấp bia đầy sáng tạo, một dĩa ốc hấp gừng nghi ngút khói thơm lừng cả một góc trời , kèm với ly rượu sim tê tái đầu lưỡi thêm phần thi vị giữa dòng suối nên thơ. Nếu các bạn chịu khó lên cao hơn một chút sẽ thấy được cảnh quan vô cùng sinh động, từng bậc đá xếp chồng lên nhau chất ngất, con suối cứ cuồn cuộn từ trên chảy dài.
Chúng ta sẽ có được cái nhìn tổng quan từ trên cao xuống – lúc đó mới thật sự cảm nhận được toàn cảnh quan sinh động của Suối Đá Bàn, đê mê, ngây dại, hút hồn mê đắm không thôi. Có những lúc cũng cần chút mạo hiểm, tò mò để hưởng ngọt hết những điều lý thú – mà chúng ta chỉ có thể gặp được một lần trong đời.
Mùa khô lòng suối trơ đá , lữ khách dễ dàng đi dọc giữa suối để ngắm cho kì hết sự kỳ vĩ , đẹp tuyệt của những khối đá hình chiếc bàn. Và sự kỳ vĩ , hiền hòa của bảo tàng đá ở suối Đá Bàn mùa khô sẽ nhường chỗ cho nét kiêu sa, hùng vĩ và kiều diễm rất văn vẻ khi mùa xuân về. Còn vào mùa mưa thì đường sẽ trơn trượt cho nên các bạn cũng cần chuẩn bị cho mình những đôi dày, đôi dép cho phù hợp với địa thế lúc ấy.
Xuân về tết đến – cũng là dịp để chúng ta rủ nhau nguyên team đi đây đó ngoạn cảnh, tìm nguồn cảm hứng mới cho một năm có sự khởi đầu đầy sức sống. Gia đình , bạn bè sẽ luôn bên mình để cùng nhau hưởng trọn mùa xuân du lịch đầy hơi ấm tình thân.!