byÝ Vy

Bún Kèn Phú Quốc – Đã từ rất lâu những món ăn dân dã đã đi sâu vào tiềm thức, và luôn gắn liền với những tháng ngày của tuổi thơ yên ấm bên gia đình, bên những hàng quán mái tranh, cột xiêu ở miền quê hương da diết. Và vùng Phú Quốc – Kiên Giang cũng không ngoại lệ, luôn có những món ăn độc đáo, hấp dẫn, khiến những “bước chân” của du khách không thể nào không đến một lần để khám phá cả  về ẩm thực – lẫn phong cảnh thiên nhiên hữu tình tại miền quê yêu dấu này.

Món ăn Bún Kèn là một trong những món ngon đáng để cùng nhau thưởng thức – và chia sẻ !

Bún Kèn Phú Quốc- “món lai”- hương vị riêng của Đảo Ngọc

Theo người dân địa phương cho biết, món Bún Kèn có nguồn gốc xuất xứ của người dân Khmer (Nam Vang). Có tài liệu cho rằng “Kèn” trong tiếng Khmer dùng để ám chỉ những món ăn có sử dụng nước cốt dừa. Trên thực tế món này có nguyên liệu rất dễ kiếm, và dễ chế biến, nhưng đặc biệt không phải ai cũng là “bếp trưởng” để nấu ra được đúng hương vị của món này.

Thoạt nhìn món Bún Kèn có vẻ giống món Bún Nước Lèo, nhưng lại “lai lai” món Cari – vì màu sắc và hương liệu Bún Kèn cũng có cari. Thôi thì không phải đoán già đoán non nữa, chúng ta cùng nhau tìm hiểu cách nấu và thưởng thức món ăn đặc biệt này nhé!

Tại Phú Quốc, bà con nấu món Bún Kèn thường được nấu từ cá nhồng, cá ngân là chính. Cá sau khi rửa sạch được xắt thành lát, ướp gia vị, rồi nấu chín. Cá chín gỡ thịt cá ra, lấy hết xương rồi đem xay nhuyễn. Kế tiếp mang phần cá xay này xào với tỏi – xả – ớt, xào đến khi cá khô và thơm giòn (như chà bông) thì đạt.

Quan trọng là phải xào làm sao cho từng sớ cá không bị cháy xém thì mới đạt yêu cầu. Nhờ thịt cá được xay nhuyễn một cách tỉ mĩ cho nên hương vị của cá thơm ngào ngạt, thịt cá thấm gia vị – rất bùi và mặn mà ngon miệng. Kế đó, cho nước cốt dừa, nước cá luộc đã lọc bỏ xương vào nồi soup, nêm nếm gia vị, canh cho đến khi nước sền sệt, có độ sánh nhất định thì đạt yêu cầu. Đặc biệt là phải có bột cà ri hoặc ngũ vị hương, cùng nước cốt dừa.

Màu nước soup của món Bún Kèn mang một màu vàng của gia vị cari thật hấp dẫn. Trong nồi nước sôi ùng ục, khói bốc lên nghi ngút tạo khung cảnh mờ mờ như màn sương mỏng giữa sớm mai. Đến phần múc ra tô để phục vụ thực khách.

Cô bán hàng lúc nào cũng với đôi tay nhanh nhẹn, lần gỡ từng sợi bún trắng tinh, nõn nà, đung đưa để trọn vào một cái tô sành tròn trĩnh. Thêm vào đấy là một ít giá sống, miếng rau thơm, một ít rau răm, rau quế, dưa leo đã xắt nhỏ từng miếng – để tăng hương vị món ăn, cũng như giảm độ béo ngấy của món bún.

Đặc biệt có một sự kết hợp rất lạ lùng mà không thể không nói, đó chính là món đu đủ bào ăn kèm với món bún này. Đu đủ muốn bào ngon thì phải chọn đu đủ vừa mới ngả màu vàng cam – hay còn gọi là đu đủ mỏ vịt, có như vậy khi bào ra ăn thì đảm bảo được độ giòn và độ ngọt. Sau khi đã cho vào đó các loại rau sống, đu đủ bào thì múc thêm một muỗng nước mắm (đã pha chế với chanh, tỏi, đường, và ớt) để tăng hương vị đậm đà, và cho vào tô một vài vá nước soup – chỉ sấp sấp nước soup trong tô thôi chứ không có ngập tràn như các loại món bún thông thường khác.

Bưng trên tay một tô Bún Kèn chính hiệu Phú Quốc với mùi hương bay xa ngạt ngào cứ len lỏi đi thẳng vào khướu giác, càng tạo thêm phần hấp dẫn kích thích thị giác với màu vàng óng ánh pha lẫn màu xanh của các loại rau, sau cùng làm cho vị giác càng thêm thèm thuồng, dịch vị cứ tiết ra tạo nên tiếng kiềm nén nuốt “ực ực”.

Đưa đôi đũa tre trộn đều tô bún, thêm chút nước mắm cho vừa ăn rồi từ từ đưa vào miệng với cảm xúc hân hoan, vui mừng mà từ từ cảm thụ các hương vị của nó. Mùi thơm chính của cari pha lẫn mùi nước cốt dừa, thơm thoang thoảng của rau quế, rau răm càng thêm phấn khích.

Húp một cái rột – một vị beo béo thêm phần cay nhẹ của cari, vị mặn ngọt của nước mắm càng làm cho con người ta quên cả đất trời – chỉ tập trung và chú ý vào tô bún này mà thôi, quên lãng luôn cả bối cảnh không gian và thời gian đã – đang và diễn ra như thế nào! Thật sự chỉ tập trung vào chuyên môn chính: thưởng thức!

Nhai thật chậm để hưởng thụ được cái độ giòn của rau giá, độ dẻo dai của cọng bún, độ sánh của nước soup, và vị ngọt béo từ cá và nước cốt dừa … tất cả hoà chung với mùi cari bất hủ đã bao năm luôn luôn có mặt trong món ăn của người Việt Nam chúng ta.

Đơn giản, dễ nấu, dễ ăn nhưng không phải ai cũng “đủ trình” để nấu món ăn này theo đúng “bản gốc” để có được mùi vị đặc trưng này. Cho nên ngày xưa ông bà ta đã từng có câu ca dao: “anh đi anh nhớ quê nhà – nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Dù có đi đâu, ở đâu và làm gì thì món ăn của quê hương, của dân tộc vẫn luôn đóng vai “ người nghệ sĩ” để gìn giữ, và bảo tồn nét đẹp ẩm thực cho quê hương của mỗi chúng ta !