byÝ Vy

Gói cá Trích Phú Quốc – “Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày…”. Thật vậy, cụm từ  “quê hương” được hiểu với tất cả tâm tình, ruột thịt, hoài niệm trong từng miếng ăn, giấc ngủ từ thuở nằm tã trong nôi … Một đời người tung hoành ngang dọc với xã hội, lăn lộn với dòng đời để trở thành “ông này, bà nọ” nhưng – xin – hãy – trở về với cội nguồn bằng thằng Tí, con Lụa chân chất, mà nũng nịu, ngây thơ nằng nặc đòi mẹ làm những món ăn dân dã, đậm đà nguồn cội với xứ sở của mình, để được “chảy dài” ký ức trong văn hoá ẩm thực quê hương cội nguồn.

Và một khi đã đến với Phú Quốc thì xin hãy ngọt ngào nghĩa tình với món ăn đặc trưng bao đời với bà con nơi đây, món ăn mang đậm “quốc hồn – quốc tuý” của xứ đảo: Gỏi cá Trích trứ danh nức tiếng !

Gỏi cá Trích Phú Quốc – hương rừng – vị biển – sản vật thiên nhiên

Gỏi – món rau trộn hoặc món thịt (cá) được chế biến để ăn sống hoặc tái.

Nguyên liệu chính :

+  Cá trích (rửa, đánh vảy sạch, cắt đầu  rồi thái phi-lê. Để ráo nước trộn chung rồi ăn kèm với các nguyên liệu phụ bên dưới)

+  Hành tây, hành tím

+  Nước cốt chanh

+  Dừa nạo thành sợi

+  Đậu phộng rang

+  Nước mắm, tỏi, ớt, đường

+  Bánh tráng, rau sống và bún

Cách thưởng thức :

+ Cá được trộn tái với nước cốt chanh, sau đó để chính giữa lòng dĩa. Xung quanh được trang trí các loại rau rừng cho thật bắt mắt. Các dĩa khác để dừa nạo (thành sợi), nước mắm chua ngọt, bún – và tất cả được gói gọn trong cái bánh tráng Phú Quốc thoa thêm một ít nước dừa lên bánh để tạo độ dẻo dẻo, dai dai có vị bùi ngọt từ nước dừa.

Sau đó gắp một miếng cá phi lê có màu hồng hồng tươi ngon, thơm lừng vị chanh thanh thoát, kích thích vị giác để xếp dài, ngay ngắn trong lòng bánh tráng. Kế tiếp đặt một ít bún thân trắng nõn nà, đung đưa từng sợi hấp dẫn “đè lên” miếng cá, tiếp tục cho vào những loại rau rừng đặc sản của từng vùng miền (rau húng lủi, đọt xoài non, lá cóc, đọt choại, diếp cá, rau thơm …) gom tất tần tật hương vị của đất trời trong từng loại rau vào bánh tráng.

Tăng hương vị cay nồng hành được thêm vào để át đi bớt mùi tanh của cá, tăng phần ngọt bùi, beo béo làm lạ vị giác là từng sợi dừa trắng đục nhai “sực sực” với vị bùi từ đậu phộng … tất cả gói chung vào và cuộn tròn bánh tráng lại – gói vào đó là tất cả những tinh tuý của thiên nhiên từ trên rừng cao (rau dại) đến đồng bằng (bún, đậu phộng) cho đến tận vùng biển cả (cá trích).

Một khối hình trụ tròn trĩnh, vừa miệng ăn, hai phần đầu của bánh tráng được khéo léo bẻ cúp lại thật cẩn thận để tránh rơi rớt các “sản vật”. Cuối cùng, chấm cuộn bánh nõn nà ấy vào một chén nước mắm hỗn hợp – được pha chế rất công phu mang một sự tổng hợp các mỹ vị vốn có của tạo hoá. Màu vàng nhạt của nước mắm trứ danh Phú Quốc pha với một màu trắng của tỏi, màu đỏ đậm đà của ớt, vị chua và hơi đắng từ chanh, vị ngọt thanh của vị đường mía … kết hợp cho ra món nước chấm “thần thánh”.

Sau khi hoà chung với nước chấm và đưa vào miệng cắn một cái thật dứt khoát – nghe tiếng “sực” . Tất cả các hảo vị xông lên tận mũi, cũng có thể tạo nên một tiếng sặc (vị cay ớt – hành – tỏi), nhai đều với tất cả sự trộn lẫn hài hoà, từ từ nhai chậm mà thưởng thức một món ăn dân dã – nhưng không hề đơn giản bởi “công thức” kết hợp các nguyên liệu vô cùng phong phú và đa dạng cho người thưởng thức.

Vẻ mặt, biểu cảm trong lúc thưởng thức cũng toát lên được một cái thần thái rất chất trong giới sành ăn … và “thần thái” đó cũng không kém phần quan trọng đâu nhá các bạn. À, mà nếu chúng ta có thêm một ly rượu sim ấm áp nhấp vào thì lại thêm hương vị “đúng chất” mềm môi ở tại xứ đảo mến yêu này … Một cái “ực” là cốc rượu sim đã “nhanh chóng” xuống tận cổ họng – xông lên một hương vị hoà chung thật “ăn ý” với món gỏi cá Trích này vậy!

Văn hoá & giá trị ẩm thực :

Người Việt chúng ta cũng như các dân tộc khác trên thế giới – đều có nền văn hoá ẩm thực rất phong phú. Trong thực tế nhiều người nhận thấy một cách cảm tính, đặc trưng ẩm thực Việt Nam toát lộ trong sự đối sánh với các nền văn hóa ẩm thực khác trên thế giới: món ăn Trung Hoa ăn bổ dưỡng, món ăn Việt ăn ngon miệng, món ăn Nhật nhìn thích mắt…

Mặt khác tuy trong lãnh thổ Việt Nam, nhưng văn hoá ẩm thực lại phân chia rõ ràng theo từng đặc tính riêng của 03 miền: Bắc – Trung – Nam .

Nước ta, ẩm thực không chỉ đơn thuần là miếng ăn – mà con mang tính y học được phân tích rõ ràng: Ẩm thực Việt Nam tuân theo hai nguyên lý là Âm – Dương phối triển (và Ngũ hành tương sinh).

Âm (các nguyên liệu có tín hàn-mát): cá, tôm, cua, thịt vịt …

Dương (các nguyên liệu tín nóng-ấm): gừng, ớt, hành, tỏi, rau răm …

Ví dụ:  ăn thịt vịt (hàn- mát) kèm với nước mắm gừng (nóng-ấm). Hột vịt lộn (hàn – mát) ăn kèm rau răm (nóng-ấm) Như vậy mới hài hoà tính âm dương để tốt cho sức khoẻ.

Riêng ẩm thực miền Nam, có thiên hướng hảo vị chua ngọt, đây là nơi chịu ảnh hưởng nhiều của ẩm thực Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, có đặc điểm là thường cho thêm đường và hay sử dụng sữa dừa (nước cốt và nước dão của dừa), và các loại mắm (ba khía, cá lóc – sặc).

Ngay trong món gỏi cá Trích cũng đã mang yếu tố “âm – dương” và giao thoa với ẩm thực các nước láng giềng lân cận.

Gỏi cá Trích nói riêng, và các món ăn của Việt Nam nói chung không chỉ là món ăn dân dã, ngon miệng – mà còn là những món ăn mang tính giá trị trong văn hoá ẩm thực của nước nhà.

Sự kết hợp các vị chính của thiên nhiên một cách khéo léo, công phu để tạo ra các vị đặc thù tổng hợp, lạ miệng kích thích vị giác, mà còn thông minh trong việc “phối hợp” sao cho hài hoà tính âm – dương trong y học để giúp cơ thể khoẻ mạnh, hấp thu những chất dinh dưỡng quý giá từ trong mỗi món ăn thường nhật

Mong rằng món gỏi cá Trích Phú Quốc sẽ mang đến cho các bạn sự trải nghiệm “thực” về ẩm thực, cũng như hiểu thêm phần nào về nền văn hoá ẩm thực của Việt Nam – mà các bậc tiền nhân đã dày công nghiên cứu và “xây dựng” bao đời!