Du hí đảo ngọc không thể bỏ qua trải nghiệm mới lại, một ngày làm nông dân tại vườn tiêu Phú Quốc. Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi nguồn hải sản phong phú, nhiều cảnh đẹp. Thì Tiêu Phú Quốc được xem là ” hạt ngọc đen ” mang đến giá trị kinh tế rất lớn cho người dân xứ đảo.
Gia đình tôi từ hơn bốn đời đều là gốc miền Tây “rặt”, bên Nội – Ngoại đều thế, còn hơn thế nữa thì cha mẹ tui lại ở chung một xóm luôn, gần gũi lắm. Bởi thế, từ khi lọt lòng – nằm trên võng được những bàn tay trìu mến lắc lư nhè nhẹ và những lời ru “hàn lâm” tự bao đời của những người bà, người mẹ dành riêng cho đứa con thơ của mình:
“Ầu ơ, ví dầu … nấu cơm thì phải nấu canh,
Bỏ tiêu cho ngọt , bỏ hành cho thơm …”
Tiêu Phú Quốc – ” Hạt ngọc đen ” vùng biển đảo
Câu ru rất thực tế, và gần gũi với đời sống. Từ hiện tượng tự nhiên, câu chuyện gia đình, đến nỗi nó “trần tục” đến mức ngay cả miếng ăn cũng “rớt” vô câu ru. Bỏ một miếng tiêu vô nồi canh cho ngọt! Thiệt ra nhắc đến tiêu là biết cay nồng rồi, vậy thì làm sao cho canh ngọt được? Lại nghe đồn là tiêu ở Phú Quốc được mệnh danh là “ngọc đen” của xứ đảo này, một ngành nghề “mũi nhọn” của xứ đảo, có thể cho chúng ta thêm nhiều thông tin về đặc sản tiêu trứ danh : Tiêu Phú Quốc!
Chúng ta đều rất rõ tiêu mà một loại gia vị không thể nào không có trong nét ẩm thực Việt Nam nói riêng, và bạn bè thế giới nói chung. Hầu hết tất cả các cách thức chế biến thức ăn đều có mặt của mùi tiêu: canh, đồ kho, đồ nướng, đồ xào, đồ hấp … “tất tần tật” đều có mùi quen thuộc này. Riêng ở Phú Quốc, hạt tiêu luôn được đông đảo các bà nội chợ, bà con, ngay cả cánh đàn ông đi du lịch cũng rất thích thú về món đặc sản này. Đôi khi chỉ vì “cảm quan” khi thấy đa số đều khen , nên mọi người khen thêm, hoặc thấy đa số du khách đều mua tiêu về dùng, thì người khác lại đùng đùng mua theo. Có khi tiêu Phú Quốc nó “ngon” thiệt thì sao ?
Tiềm năng kinh tế của đặc sản tiêu Phú Quốc ngày càng lớn, nên huyện Phú Quốc đã thiết lập nhãn hiệu tập thể cho “Hồ tiêu Phú Quốc”. Nhằm khẳng định, và đảm bảo giá trị sản phẩm trong nước và quốc tế. Ngoài ra còn có chính sách, cơ chế để giữ vững, và phát triển mạnh nhãn hiệu tập thể này, để tiến đến một lộ trình mang tính vĩ mô. Để cây hồ tiêu đủ phát triển toàn diện, huyện Phú Quốc nghiên cứu ứng dụng các khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng hồ tiêu, giảm giá thành sản xuất, và tăng giá trị lợi nhuận cho nhà vườn.
Trồng tiêu là nghề truyền thống lâu đời của bà con Phú Quốc, đến nay có khoảng trên 700 hộ gia đình đang “mặn mà” với nghề trồng tiêu của mình, và tập trung nhất ở 03 xã: Cửa Dương, Cửa Cạn và Dương Tơ. Khi mô hình du lịch ở Phú Quốc ngày càng đa dạng và phát triển mạnh, thì các nhà vườn cũng “bắt nhịp kịp” để mở ra những tuyến du lịch sinh thái vườn, và cung cấp hồ tiêu cho du khách. Hiện nay mô hình này càng được nhân rộng và phát triển.
Giống hồ tiêu rất phù hợp với đất pha cát của Phú Quốc, và nơi đây có 02 mùa mưa nắng rõ ràng, nên bà con thường trồng tiêu từ mùa mưa, tới đầu mùa nắng bắt đầu cho thu trái và phơi tiêu để chế biến. Ngày nay, tại vùng này vẫn trồng chủ yếu là hai loại hồ tiêu: Phú Quốc và Hà Tiên (Hồ tiêu lá lớn và Hồ tiêu lá nhỏ). Hai nhóm giống này có thời gian thu hoạch gần tương đương nhau từ tháng 11 âm lịch kéo dài hết tháng 2 âm lịch. Giống Hà Tiên có năng suất cao hơn nhóm Phú Quốc nhưng tuổi thọ và kháng sâu bệnh kém hơn.
Sở dĩ tiêu Phú Quốc nổi tiếng là do khí hậu, thổ nhưỡng tại vùng này đặc biệt phù hợp với giống hồ tiêu, cho nên cây phát triển mạnh, năng suất tốt, chất lượng cao, cho ra những hạt tiêu to tròn, vỏ mẩy, hạt tiêu rất chắc, mùi thơm nồng, do có hàm lượng tinh dầu cao nên đặc biệt có đậm vị hơn nhiều loại hồ tiêu trồng ở nơi khác – tạo nên giá trị rất riêng cho hồ tiêu ở vùng này.
Các bạn sẽ rất phấn khởi khi đi vào các nhà vườn trồng tiêu để tham quan. Một vườn tiêu bao la, xanh ngát, đang uốn lượn xung quanh những cột trụ. Hàng tiêu được trồng thật ngay hàng, thẳng lối dài vô tận bạt ngàn. Sự hồ hởi khi bắt gặp những chùm tiêu chín trái tròn, căng mẩy, cứ đung đưa thật lạ mắt, những trái chín đan xen với những quả còn xanh, tạo nên một khung ảnh thiên nhiên đa màu sắc rực rỡ giữa cái nắng trong xanh ban trưa tại Phú Quốc. Đặc biệt thích thú hơn khi được các cô bác nhà vườn hướng dẫn cách hái tiêu, được tự tay mình ngắt hái những chùm “ngọc đen” lạ lẫm, những cảm xúc hiếu kỳ khi tự mình trải nghiệm và cảm nhận. Từng chùm đung đưa trên cây sẽ được hái xuống đưa vào những cần xé to đùng, sau đó sẽ qua khâu tuyển chọn, phân chia từng loại tiêu.
Tiêu được thu hoạch và được sơ chế thủ công, chia làm 03 loại cơ bản: Tiêu chín đỏ trên cây được hái xuống và phơi riêng, gọi là tiêu đỏ. Rồi những trái tiêu còn xanh được hái xuống, phơi khô sẽ chuyển sang màu đen – gọi là tiêu đen. Loại tiêu đen này sẽ phải tẩy bỏ lớp màu đen bên ngoài rất công phu, sẽ chuyển sang màu trắng – gọi là tiêu sọ. Và loại tiêu sọ này có giá trị cao nhất trong các loại tiêu (thành phẩm) , rất thơm, ngon và chất lượng cao nên du khách vẫn thường hay mua loại này để làm quà.
Ngoài ra, các chủ nhà vườn còn có những “sáng tạo” phong phú để chế biến hồ tiêu nhằm phục vụ quý khách đến tham quan như: tiêu khô, tiêu xay, muối hồng tiêu, muối tiêu chanh, tiêu tươi ngào đường, chủ yếu phục vụ khách du lịch, ngoài ra còn vận chuyển tiêu thụ tại đất liền như Kiên Giang, TP HCM, các tỉnh lân cận và xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu.
Nghề trồng tiêu Phú Quốc không chỉ riêng mang giá trị về kinh tế cho người dân, cho địa phương – mà nó còn là ngành nghề truyền thống, mang một nét văn hoá rất riêng được truyền từ nhiều đời. Có những ký ức không thể mua bằng tiền, mà chỉ có thể đơn giản là sự gìn giữ và bảo tồn – đó cũng là cách biết ơn của những hậu bối dành riêng cho vùng đất quê hương da diết của mình. Cũng chính vì lẽ đó, mà nghề trồng tiêu đã vươn mình góp phần vào giá trị về văn hoá, để thúc đẩy ngành du lịch của vùng đảo ngày càng được phát triển mạnh, giúp đời sống bà con được ổn định, và giới thiệu hình ảnh Phú Quốc – Kiên Giang xinh đẹp đến bạn bè khắp nơi trên trường quốc tế!