Làng chài Hàm Ninh thiên nhiên giản dị “chạm lòng” du khách đến với đảo Ngọc. Đến Làng chài Hàm Ninh ăn quán nào ngon, nên chơi chỗ nào, sẽ có tất tần tật trong bài viết kinh nghiệm đi làng chài Hàm Ninh sau đây.
Đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, con người ngày càng bận rộn – thời gian dành cho việc nghỉ ngơi, thư giãn thật hiếm hoi. Tất cả các các cảnh quan đa số điều được bê tông hóa, đô thị hóa – ít còn nơi nào giữ được nét mộc mạc, giản đơn còn nguyên sơ như thuở ban đầu. Nếu có chăng thì nơi nào sẽ đảm bảo đủ các yếu tố trên – để có cơ hội được trở về một ký ức của hoài niệm mang đậm chất thiên nhiên đơn thuần của hàng thập kỷ trước?!
Làng chài Hàm Ninh đậm nét giá trị hoài cổ của xứ biển đảo
Từ trung tâm thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang), ngược lên hướng đông bắc chưa đầy 20 km, bạn sẽ đến với xã Hàm Ninh. Nơi đây nổi tiếng với làng chài Hàm Ninh – ngôi làng cổ nằm nép mình dưới chân dãy núi Hàm Ninh cao hàng trăm mét.
Tồn tại lâu đời, nhưng làng chài này là vẫn còn là một địa danh rất mới với du khách, vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, giản dị, chưa bị ảnh hưởng nhiều từ những hoạt động du lịch. Có lẽ làng chài quá mộc mạc, quá hoài cổ cho nên cơ sở vật chất còn sơ sài – thế nên chưa có ai chú ý và cảm nhận được vẻ hoài cổ của ngôi làng này.
Dấu ấn ngôi làng này có tự bao giờ – chẳng ai xác định được! Chỉ nghe rằng khi đảo Phú Quốc còn hoang vắng, một số cư dân từ xa đến đây khai thác hải sản, rồi lập làng để sinh sống. Khi cửa biển Dương Ðông vang tiếng sóng thì Hàm Ninh là bến đậu ghe yên tĩnh và an toàn. Các ghe buồm, ghe bầu từ đất liền đến cập bến ở đây để lên hàng hoá rồi chở hải sản đi đến nơi khác để buôn bán.
Làng chài Hàm Ninh không phải là nơi tắm biển kết hợp với các hoạt động vui chơi giải trí lý tưởng, mà nơi đây chỉ mang đậm nét giá trị hoài cổ của xứ biển đảo. Người ta nói đến Hàm Ninh như nói về một nơi cổ kính, mộc mạc, một nơi hoài niệm về cuộc sống xa xưa.
Ðến Hàm Ninh như những cố nhân trở lại làng xưa. Cuộc sống ở đây gần như còn giữ nguyên vẻ hoang sơ với nhà tranh vách tre tạm bợ. Đời sống người dân ở đây còn nhiều thiếu thốn và vất vả. Nghề chính vẫn là nghề lặn mò ngọc trai, bắt hải sâm và giăng lưới ghẹ. Tầm 3h sáng là bà con ngư dân nơi đây đã thức giấc để chuẩn bị ngày làm việc của mình. Một số hộ gia đình ra dọc bờ biển lặn hụp cả mấy tiếng đồng hồ để vớt lên được mấy chục ký ốc, mớ tôm tít để ra bán chợ buổi sớm mai.
Còn phần lớn các gia đình khác thì chuẩn bị cơm gạo, dầu, nước thức ăn cần thiết để sắp sửa lên tàu đánh bắt ra ngoài biển xa làm việc cả ngày ngoài đó. Cũng tùy vào con nước, vào thời tiết – mà mỗi chuyến đánh bắt có thu nhập cao hay thấp.
Biển rộng mênh mông, mang trên mình một màu xanh ngọc bích, con thuyền khẩn trương ra xa , nhấp nhô từng sóng biển để thả hàng trăm mét lưới để “đón hướng” của những chú ghẹ xanh tươi. Lão ngư tâm sự: “chúng tôi và tụi nhỏ vẫn bám biển, bám làng, vì đây là nghề gia đình truyền thống. Sóng to bão gầm, nhưng niềm vui khi thấy được thành quả lao động thì làm chúng tôi càng yêu nghề, yêu biển nồng nàn hơn”. Du khách khi đến đây có thể tháp tùng cùng với nhà thuyền, nhập vai dân chài “thứ thiệt” để trải nghiệm những cảm xúc thăng hoa lênh đênh biển khơi trọn vẹn một ngày – để tạm quên những bộn bề của cuộc sống.
Trong đất liền những người phụ nữ ngày nay đã chủ động – độc lập – không còn dựa vào những chuyến ra khơi xa của chồng, của con để phụ gia đình nữa. Mà nay – họ – những người phụ nữ chuân chuyên đã biết nắm bắt kịp xu thế du lịch phát triển đảo xa, họ đã biết bán buôn sản phẩm truyền thống: mắm cá cơm, khô cá biển, con tôm , con ghẹ , những vỏ ốc mỹ nghệ … để bán cho khách du lịch kiếm lời phụ chồng, đỡ đần vun vén cho gia đình.
Hàng chục nhà hàng, khách sạn mọc lên – cũng là hàng trăm, hàng ngàn thanh niên có nơi trau dồi nghề nghiệp, lao động để kiếm tiền và đươc học hỏi thêm những ngành nghề phục vụ cho du lịch tỉnh nhà. Làng chài Hàm Ninh ngày càng chuyển mình – bắt nhịp cùng sự phát triển chung của cả vùng đảo xinh đẹp.Biển Hàm Ninh dốc thoai thoải nên có khi xa hàng trăm mét vẫn còn cạn. Khi nước ròng, bãi cát mênh mông chạy tít ra xa, lúc nước lên, tràn ngập bãi, vào tận mé rừng, có lẽ vì thế mà người người đến đây đều muốn có một tấm ảnh đẹp bên bãi biển đặc trưng này.
Nếu đứng trên bãi Hàm Ninh, nhìn ra xa có thể thấy quần đảo Hải Tặc, chệch về Ðông Nam, hòn Nghệ mờ mờ trên làn nước biếc, phía Nam là mũi Ông Ðội – mũi đất cuối cùng của đảo. Một bức tranh sơn thủy hữu tình không quá diêm dúa, không hẳn sôi nổi – mạnh liệt, mà nó diễn ra từ tốn, nhẹ nhàng chậm rãi từng gam màu của cảnh sắc.
Hàm Ninh làng chài của ký ức
Người xưa khai phá đến trăm năm
Tay chài, tay lưới phía xa xăm
Bà con tận tâm với nghề biển!
Cây cầu cảng khá là dài cùng với làn nước biển trong xanh buổi sáng sớm, nó nối liền một dãi dài phẳng phiu nâng những bước chân thảnh thơi cùng song hành sánh bước. Buổi sớm mai khi ánh bình minh vừa hé mở – cũng là lúc những trái tim thổn thức đã tự bao giờ chờ đợi để đón ánh bình mình rực rỡ mà yên bình, tiếng xuýt xoa, trầm trồ nhìn ngắm “quả trứng hồng” dần dần nhô lên khỏi chân trời xa thẳm.
Một ngày mới bắt đầu với những tâm trạng hưng phấn để khám phá từng góc nhỏ của làng chài. Cũng chính cây cầu này sẽ dẫn các bạn ra những hàng quán nhà bè đầy lạ lẫm, những quán bè mọc lưng chừng – nhưng nề nếp trật tự.
Đến đây các bạn nhất định phải ăn qua món ghẹ Hàm Ninh nhe – luộc lên con ghẹ đỏ au, thịt trắng ngọt, chắc, từng giọt húp rột rột nghe mà nao nao trong lòng. Những con tôm tít được cháy tỏi vàng óng ánh đổ lên trên những chú tôm vừa ram xong, khói bay lơ phơ, mùi hương phảng phất níu chân khách bộ hành, còn nhiều thứ hải sản như mực tươi hấp gừng, cá bóp nướng vĩ, nhum nướng đậu phộng, sò nướng mỡ hành xanh lè một khoảng vỏ sò hấp dẫn.
Gió chiều thổi về nhè nhẹ, khung cảnh ngoài xa nhộn nhịp tiếng ghe tàu đánh bắt ngoài khơi đã cập bến, tiếng chồng gọi vợ, mẹ gọi con, lời hỏi thăm nhau có trúng ghẹ , tôm nhiều hay không? Tiếng bạn hàng gọi nhau thu mua í ới – tái hiện lại cảnh sống nông thôn thanh bình đậm tình làng nghĩa xóm – của một thời lịch sử hình thành tại vùng đảo Phú Quốc.
Ai cũng phải trải qua tuổi thơ của mình với những cung bậc cảm xúc xưa – theo cách riêng của mỗi nề nếp gia phong, gia thế. Tuy nhiên chỉ có những hình ảnh bất chợt tái hiện lại một thời xa xưa, một thời lao động chân tay cực nhọc, nhưng bắt ngay cái khoảnh khắc ấy có khi làm lòng ta lại nhẹ tênh, trút bỏ nỗi tâm tư lai láng để được trở về với chính mình.
Làng chài Hàm Ninh đã cho tôi khung trời của ký ức, của sự mộc mạc chân phương – mà – bấy lâu nay – phố thị hiện đại nhộn nhịp đã vô tình “chen lấn” cái chất làng quê từ trong con người của tôi – dân miền Tây thực thụ tự bao đời!