byÝ Vy

Miếu thờ nghi ngút hương trầm

Trăm năm Dinh Cậu âm thầm chở che,

Biển xa tấp nập tàu ghe

Ngư dân Phú Quốc thích nghe an bình.

Nói không ngoa chút nào, Dinh Cậu Phú Quốc là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Thật sự mà nói – đây là một ngôi miếu cổ tọa lạc ở địa thế hết sức đặc biệt kỳ bí, cảnh tượng không thể nào lý giải. Ngay cửa sông xuất hiện một tảng đá lớn lú dần lên mặt nước, và uy phong ngự trị nơi ấy – nó giống như một con rùa đá khổng lồ – thuộc tứ linh của phong tục Việt Nam và dần dần chiếm trọn đời sống tâm linh của bà con ngư dân nơi đây.

Dinh cậu Phú Quốc – Câu chuyện liêu trai cách nay 4 thế kỷ

Từ khi có mõm đá này thì việc các ngư dân ngàn xưa khi mới đến đây lập nghiệp luôn được bình yên trở về nơi biển xa, chứ không còn mất tăm mất tích biền biệt không về như lúc trước nữa … và từ đó ngôi miếu Dinh Cậu được bà con xa gần xây dựng và tôn tạo gìn giữ trên mõm đá “rùa tiên” này suốt hàng thế kỷ qua – đó cũng là gốc tích lý giải sự hình thành ngôi miếu cổ Dinh Cậu đến tận ngày hôm nay đấy các bạn.

Mang lòng thành kính đến các vị thủy thần, Long Vương, chúng ta sẽ cẩn bước kinh hành lên tận 29 bậc thang để lên đến ngôi cổ miếu với mái ngói rêu phong kỳ ảo, khói hương trầm bay phảng phất, mập mờ tạo nên một không khí vừa trang nghiêm, vừa liêu trai chí dị.

Cái nhìn đầu tiên là xuất hiện ngôi miếu thổ thần đất đai vương trạch, lên đến sân chính sẽ có bàn thờ Ông Thiên uy nghi độc hành vươn thẳng giữa sân chánh điện. Cảnh quan thêm phần uy nghi với hàng cột trạm trổ tinh vi độc đáo với câu đối bằng chữ Hán:

“Vạn Cổ Anh Linh Thông Tứ Hải

Chấn phong bình lượng bảo lương dân.”

Trước chánh điện có bức hoành phi đề chữ: Dinh Cậu , vào trong chánh điện sẽ thấy tượng nữ thần Thiên Y A Na hay Bà Thánh Mẫu Chúa Ngọc uy nghiêm đoan chính ngồi giữa ban thờ với đôi mắt sắc thần sinh động, hai bên là Cậu Tài và Cậu Quý với phong thái nghiêm trang đứng hầu bà. Gian thờ uy nghi khiến khách thập phương tín tâm mà khấn nguyện, quỳ lạy trước các đấng thánh thần hiển linh bốn bể ở vùng sông nước bao la rộng lớn này. Đây cũng là một nét văn hóa thờ Mẫu của dân tộc Việt Nam được hình thành từ những đợt khai phá, khai hoang đầu tiên của người dân miền Trung vào Nam sinh sống  của hàng thế kỷ trước.

Thánh Mẫu uy nghi lòng bác ái,

Cậu Tài – Cậu Quý độ ngư dân

Cá tôm đầy ắp khoan thuyền lớn

Biển thuận, gió hòa lạy tạ ân !

Hằng năm cứ vào ngày 15, 16/10 âm lịch thì bà con ngư dân trong và ngoài vùng đem lòng thành kính nhớ ơn các bậc thánh thần, các bậc tiền hiền  – hậu hiền tụ họp về Dinh Cậu trước để tạ ơn, lễ bái với các nghi lễ hết sức nghiêm trang, uy nghi chỉnh tề có chủ lễ, và các bậc bô lão lớn tuổi đến tham dự. Sau là bà con đến đây để cầu khấn điều bình an, mưa thuận gió hòa, gia đình an bình để tiếp tục duy trì – và tiếp nối nghề đánh bắt truyền thống của người con biển đảo.

Cảnh chiều tại Dinh Cậu – Phú Quốc là thời khắc giao hòa giữa ngày và đêm, một khoảnh khắc đáng được chúng ta một lần lưu dấu vào tiềm thức khi đặt chân đến nơi này.

Gió chiều từ biển lồng lộng thổi vào – như thể muốn thổi bay cái bụi trần đầy ắp những lo toan của thế nhân – xóa sạch những sầu muộn từ miền đất khác về tại nơi này. Ánh chiều hoàng hôn cũng đủ cho ta một chút suy tư từ trên cao thả hồn vào gió , để rồi đưa ánh mắt nhìn tứ phía xa gần. Một ngôi miếu sát mé biển như đúng “cái thế” đứng của các vị thủy thần trông nom biển cả, cứu khổ dân lành.

Miếu trên đá – đá không cao – nhưng lòng tự hào mang yên bình thì cao vời chất ngất. Đá sinh cây – cây trên đá – mang một sự tượng trưng giúp đỡ, sát cánh cùng nhau . Đá – trời ửng đỏ – mây nước – cây cổ thụ mang một biểu trưng ngũ hành âm dương với đầy đủ: Kim + mộc + thủy + hỏa + thổ  mang đến sự thịnh vượng đầy đủ của một vùng biển trời bao la đầy sự hứa hẹn .

Bước xuống ngôi miếu cổ kính là những dãy đá uy nghi – chiễm chệ đứng sừng sững hai bên , với nhiều thế đứng kỳ vĩ, kiêu hùng như muốn khẳng định sự trường tồn cùng với đất trời xứ đảo. Vừa đi có thể vừa ngắm cửa sông Đông Dương từ trên cao , sự tấp nập – rộn ràng với từng đoàn tàu đánh bắt như lũ trẻ trở về với bà mẹ đất liền đang ngóng chờ !

Khi đứng trên núi Dinh Cậu có thể nhìn thấy chợ Dương Đông và quan sát được mênh mông một vùng biển cả. Sau đó chúng ta có thể đi xuống cầu Cảng để tảng bộ ngắm hoàng hôn với một con đường trải dài thênh thang như một tấm lụa  căng mình đón gió, xung quanh là ánh chiều hoàng hôn thật lãng mạng như thể thiếu nữ e ấp ửng đôi má hồng căng tròn lộng lẫy.

Biển xanh , cát trắng , đá rêu phong

Nắng vàng, cổ thụ mọc thong dong

Thạch Quy đội miếu – hòa biển cả

Ghe tàu – lưới thả – cá về đông!

Mỗi chuyến đi, mỗi con người, mỗi lứa tuổi, mỗi cá tính – tất nhiên sẽ có những cung bậc cảm xúc khác nhau, sự trải nghiệm cũng sẽ không giống nhau. Hãy đi và thử nói cho tôi nghe về sự kỳ thú Dinh Cậu Phú Quốc như thế nào theo cách rất riêng từ bạn nhé. Nhanh chân lên nào …