byÝ Vy

Mái chùa che chở hồn dân tộc;

Nếp sống muôn đời của tổ tông

Mái chùa là nơi chứa đựng, nơi được gửi gắm, là nơi tu dưỡng thân tâm của biết bao người dân Việt Nam tự bao đời. Đời nhà Trần đã xuất hiện vua Phật hoàng Trần Nhân Tông anh tài lãnh đạo đất nước gìn giữ non sông, và khi giang sơn đã yên bình thì Ngài lại lên núi Yên Tử tu hành để ngày nay chúng ta có được Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam.

Để tiếp nối dòng Thiền Trúc lâm đất Việt, cũng như mong muốn người dân tại Phú Quốc có nơi an dưỡng tâm tính, có cuộc sống tâm linh được lành mạnh, vì thế ngôi chùa Hộ Quốc huyện đảo Phú Quốc đã được dựng nên và được đông đảo phật tử khắp nơi đến chiêm bái và tham quan ngôi chùa lớn nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long này.

Chùa Hộ Quốc Uy nghi giữa biển ngọc

Từ thị trấn Dương Đông nếu đi theo hướng về nhà tù Phú Quốc, sẽ thấy cách đường rẽ vào Bãi Sao tầm khoảng 1km ở bên phía tay trái có một lối rẽ nhỏ, lối rẽ đó chính là đường lên chùa Hộ Quốc.

Năm 2011, bắt đầu được xây dựng trong dự án khu du lịch tâm linh với tổng diện tích của dự án là 110ha, chiếm diện tích 12% trong tổng 110ha, được coi là một ngôi chùa lớn nhất tại Phú Quốc và lớn nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long. Năm 2012, sau 14 tháng miệt mài thì công chùa chính thức khánh thành, đón phật tử và du khách đến tham quan lễ Phật.

Sau khi xây dựng xong tổng mức chi phí xây dựng chùa là 80 tỉ và đường giao thông đến chùa 20 tỉ. Đến năm 2013 -2014, chùa đang được xây dựng các hạng mục phụ nhằm giúp phong cảnh chùa thêm mỹ quan thu hút nhiều du khách.

Ngôi Thiền viện được xây dựng với một địa thế rất phong thủy theo quan niệm dân gian xưa, được xây dựng trên một đồi cao, lưng tựa núi, mặt tiền hướng ra biển rộng mênh mông xanh biếc. Vì được tọa lạc trên đồi núi cao nên không khí ở đây rất mát mẻ, và được gió biển thổi vào tạo nên một bầu không khí trong lành, dễ chịu.

Xung quanh lại trồng rất nhiều cây xanh bao phủ, tạo ra một cảnh quan đẹp mắt, dễ chịu và gần gũi với thiên nhiên. Một cảnh quan rất phù hợp với Thiền tịnh: yên tĩnh, mênh mông, thoáng mát, cây xanh. Cảm nhận rất an bình khi bước đến nơi này!

Về mặt kiến trúc thì Thiền viện Hộ Quốc có chút khác biệt so với các Thiền viện khác. Tổng quan ngôi Thiền viện này có kiến trúc giống các ngôi chùa cổ miền Bắc, tất cả đều được xây dựng bằng gỗ lim quý giá, và đá khối nguyên thủy cho nên có giá trị rất cao về mặt nghệ thuật. Với những vật liệu như thế ngôi Thiền viện có độ bền khá dài, khoảng 700 đến 1.000 năm và có khi thời gian còn nhiều hơn thế nữa.

Khi vừa đặt bước chân đầu tiên vào chốn Thiền, chúng ta sẽ có cảm giác như vừa bước vào một thế giới khác vậy, không gian yên bình, tĩnh lặng, rất thoát tục. Sự cảm nhận hùng vĩ, rộng lớn của ngôi chùa làm ta ngỡ ngàng.

Nhìn 2 bên đường vào sân là 18 vị la hán được khắc bằng đá, mỗi bên với 9 vị La Hán trông rất trang nghiêm. Ngay chính giữa sân là một bức tượng Phật ngọc trang nghiêm với tỷ lệ tương đương gấp đôi một người lớn. Tôn tượng này được tạc từ nguyên khối ngọc màu cẩm thạch. Đường nét chạm khắc rất tinh vi, sống động.

Đường nét trên gương mặt, đôi mắt đều có thần sắc và phong thái, nụ cười bình lặng và từ bi của bức tượng như khiến người chiêm bái rũ bỏ mọi nỗi khổ từ tận thân tâm của chính mình vậy.

Tiếp đó hiện ra trước mắt bạn là 2 lối lên bằng cầu thang. Ở phía giữa là thảm trỗ khắc với các họa tiết sinh động, hai bên cầu thang chạm khắc rồng thời Trần mềm mại, cong lượn, to tròn khác hẳn với hình tượng rồng mà chúng ta hay nhìn thấy trong các ngôi miếu đình thông thường. Bước qua dãy tam cấp cao hàng chục bậc, du khách sẽ thấy Đại Hùng Bảo Điện hiện ra vô cùng trang nghiêm và uy nghi.

Trong chánh điện chia làm 3 gian: Ở giữa thờ Phật Thích Ca “niêm hoa vi tiếu” tay cầm đóa sen, gian bên trái là Bát Nhã Thành Tri thờ tượng Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử, gian bên phải là Phổ Hiền Hạnh Nguyện, thờ tượng Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi. Khác với những ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm khác, Chùa Hộ Quốc Thiền Viện Trúc Lâm Phú Quốc có thêm bàn thờ Đức Ông như các chùa ở đồng bằng Bắc Bộ.

Các gian thờ đều được chạm khắc cầu kỳ, sơn son, thếp vàng lộng lẫy.Từ Đại Hùng Bảo Điện nhìn ra, bên trái là tháp chuông, bên phải là tháp trống to đẹp tạo thành thế đối xứng, hài hòa với cảnh sắc núi non.

Phía sau chánh điện là gian nhà Tổ – thờ tự các vị Tổ sư của Thiền tông cũng như các bậc tiền hiền. Sau khi đã chiêm bái, chúng ta ra phía trước ngôi Thiền viện để chiêm ngưỡng cảnh biển trời.

Từ trên cao với bốn bề là rừng cây xanh mát, trời cao biển rộng, gió biển từng cơn thổi vào làm cho ta như thể quên hết mọi ưu phiền của cuộc sống vội vã, một chút tĩnh lặng, thư thái để tìm về chốn yên bình của phật tánh của mỗi con người. Cơn gió mát như thể “làn gió của Phật pháp” làm ta thức tỉnh để tìm lại chính mình như thời còn trẻ sơ sinh – chưa vướng bụi trần, chưa nhiễm thói hư tật xấu của trần tục.

Các phật tử trên mọi miền đất nước về đây chiêm bái, lễ Phật tu dưỡng thân tâm. Còn các bà con tại xứ đảo từ khi có ngôi Thiền tự đã đến đây lễ Phật, tụng kinh, tu dưỡng bản thân và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống an bình nơi nơi được quốc thái – dân an.

Một điểm đến về nét văn hóa tâm linh của vùng biển đảo, với một kiến trúc độc đáo thời Lý – Trần. Quan cảnh hùng vĩ, xanh mát của thiên nhiên, mặt biển xanh bao la hòa mình cùng ngôi Thiền tự mang đến sự yên bình, thanh lặng cho du khách khi tìm đến chốn an bình tại chùa Hộ Quốc nơi đây.