Bánh Tét Mật Cật – Khi cái ăn, cái mặc còn chưa dư dả nhiều thì những món quà quê luôn được người phụ nữ đảm đang trong gia đình tự tay tươm tất để chế biến. Còn nhớ như in – cái độ mùa Tết cận kề, bà ngoại với má đã hồ hỡi chuẩn bị nào nếp, nào đậu … phân công mấy đứa nhỏ “khoanh vùng” để chặt lá chuối về lau rửa thiệt sạch.
Dặn bà Hai chung xóm chừa “lát” mỡ heo dày, ngon, thịt nạc … để chuẩn bị gói bánh Tét – trước cúng ông bà tổ tiên, sau biếu xéng và để gia đình ăn trong dịp Tết. Ngày nay bánh Tét có quanh năm, muốn ăn thì ra chợ xách tòn ten 2 đòn ăn cho đã.
Mặt khác mỗi nơi, mỗi vùng lại có cách “biến tấu” khác nhau, đặc biệt ở Phú Quốc có loại bánh Tét Mật Cật mới lạ làm sao, ăn rất thơm ngon, màu sắc bắt mắt – ưa nhìn , rất cần chia sẻ thêm về phần thông tin này để cùng nhau bình luận …
Bánh Tét Cật Mật một lần “nuông chiều” khẩu vị của mình
Tên gọi: bánh Tét Mật Cật
Thành phần: nếp, đậu xanh, mỡ – thịt heo …
Biến tấu: gói bằng là Mật Cật (thay vì lá chuối), dây cột bánh bằng sống lá Mật Cật (thay vì dây lạt), màu bánh được pha với nước cốt lá ngót, lá dứa (thay vì màu nguyên thuỷ của nếp với lá chuối) …
Hình dạng: đòn bánh hình tam giác (thay vì hình khối tròn như truyền thống)
Đặc điểm: thơm ngát mùi lá ngót, hoặc lá dứa. Nếp mềm, dẻo, nhân đậu bùi- thơm, thịt mỡ vừa ăn, mềm mại. Đòn bánh gói rất chặt tay, công phu, tỉ mỉ.
Xin khẳng định mạnh thiệt mạnh: đây là món ăn “độc cô cầu bại” hay nói dễ hiểu là món độc quyền của Phú Quốc – một hòn đảo xinh đẹp cả cảnh vật lẫn về lối sống hiền hoà của bà con nơi đây!
Điều gì làm nên nét đặc biệt riêng cho đòn bánh Tét Mật Cật để trở nên độc quyền vậy cà?
Lá Mật Cật mọc đầy ở dãy núi Hàm Ninh – đây là ngọn núi cao nhất, và dài nhất huyện đảo Phú Quốc. Loại lá này là loại cây có lá xoè ra như lá cọ.
Thường thường thì mọi người lấy lá này để chằm nón (lá). Mà cũng chẳng biết cái cơ duyên gì – mà bà con ở huyện đảo mình dùng luôn lá này để gói bánh tét mới độc lạ chứ, kiểu như phá vỡ mọi quy tắc, phá cách để tạo nên nét riêng biệt lạ lẫm – như muốn khẳng định và khiến mọi người luôn luôn nhớ đến mảnh đất Kiên Giang này vậy đó.
Nói ra cũng không có dễ làm đâu nha, coi bộ còn tốn công sức nhiều hơn bánh tét truyền thống lá chuối đó nghen. Nghe các cụ nói lại vầy nè, đầu tiên lên núi cắt lá về, rồi phơi lá hơi héo héo sao cho cọng và lá mềm ra (để gói không vì dòn mà rách lá).
Kế tiếp phải rửa lá thật kỹ, sạch sẽ, để ráo nước, rồi lau lại thiệt sạch, và phết lên lá một lớp dầu (mỡ) đều trên bề mặt lá .
Nếp: vo kỹ, rửa sạch, để ráo và trộn với một ít muối. Trộn thêm với màu của lá ngót, hoặc lá dứa, để tạo màu sắc đẹp, hương thơm,
Đậu: ngâm mấy hôm, rửa sạch, để ráo, trộn với một ít muối,
Thịt + mỡ: sơ chế, để ráo, nêm nếm gia vị vừa ăn, ướp cho thấm,
Khi gói đòn bánh tét Mật Cật cũng là điều khó khăn, không đơn giản như mọi người nghĩ. Người gói phải rất công phu, tâm huyết.
Vì loại lá này không to như lá chuối, mà mặt lá Mật Cật rất hẹp, phải gói làm sao cho nếp, nhân phải vỏn vẹn nằm gọn trong mặt lá nhỏ hẹp. Kế tiếp phần buộc dây cũng lại khó khăn, do dùng bằng gân lá Mật Cật, chẳng thể nào mềm như dây lạt.
Buộc chặt quá thì bánh chín không đều, lỏng quá thì bánh nong nước, nhão nhoẹt. Kỹ thuật hơn là đòn bánh dài khoảng 30cm này được gói theo hình trạng tam giác. Nhờ vậy , bánh tét Mật Cật Phú Quốc mới được gọi là độc quyền là vậy.
Đã qua các công đoạn, cuối cùng cho vào nồi to, đổ nước ngập mặt bánh và chờ đợi đủ thời gian thì vớt bánh ra ngâm nước lạnh.
Thì cũng là nếp, đậu xanh, thịt mỡ, nhưng lá gói bánh hoàn toàn khác, hình dáng bánh cũng khác hoàn toàn với bánh tét truyền thống. Ấy vậy mà, bánh được lột ra từ lớp lá Mật Cật lại thơm lừng theo từng làn khói bốc lên loan toả khắp nơi.
Những lát bánh màu xanh đẹp mắt, hấp dẫn, chính giữa là lớp đậu xanh mềm mịn pha lẫn với mùi thịt mỡ béo ngậy thơm ngào ngạt đến tận mũi, làm khướu giác như “chết đi sống lại” vậy nè. Nếm từng miếng bánh với mùi gạo nếp dễ chịu, ngào ngạt, độ dẻo vừa đủ, độ bùi của đậu vừa độ, vị thịt mỡ vừa ăn, béo ngậy, ngạt ngào.
Màu xanh ngọc bích của lá ngót (hoặc lá dứa) hấp dẫn, làm đê mê cả “thị giác” nghe thơm thoảng thoảng dễ chịu làm sao. Đó chính là sự hoà quyện hợp lý, tuy phá cách nhưng vẫn chất lượng, và đã thành công khi tạo nên sự khác biệt của một sản phẩm vỗn dĩ mang tính truyền thống , mang nét văn hoá riêng của khu vực miền Tây Nam Bộ – Việt Nam.
Bánh Tét Mật Cật đậm đà bản sắc của vùng đảo Phú Quốc dựa trên nét văn hoá cơ bản của dân tộc, trong làng ẩm thực Việt. Sự khác biệt đã mang lại nhiều lời khen về một món ăn vốn dĩ quá quen thuộc.
Mong rằng các bạn có dịp đến Phú Quốc – xin hãy một lần “nuông chiều” khẩu vị của mình bằng việc thử qua món bánh này để còn lưu lại hương vị của một nét mới trong tâm hồn du khách phương xa!